Tịnh Độ Tông

 

Nguồn: Sưu tầm

 

Tịnh độ tông là pháp môn dựa trên đại nguyện ban đầu của Phật A Di Đà, dùng nguyện lực để tạo ra nghiệp lành, nghiệp lành đó là cõi Tây phương Cực lạc. Pháp căn bản đối với người tu Tịnh độ gọi là nhất tâm bất loạn. Nghĩa là người xung quanh làm gì, mình không bận tâm, vì bận tâm mới khổ, mới loạn động khiến mình không tập trung được. Pháp môn Tịnh độ chính là tập trung. Tập trung vô sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật. Chỉ nghĩ đến sáu chữ này thôi, không biết gì khác mới là nhất tâm bất loạn. Và Tịnh Độ Tông lấy tôn chỉ : “Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển” làm tông chỉ.

 

Pháp môn Tịnh độ tông cũng có kinh điển riêng bao gồm những kinh luận sau:

 

1. Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh (2 quyển).

2. Đại Phật A Di Đà kinh (2 quyển).

3. Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).

4. Quán Vô Lượng Thọ kinh (2 quyển).

5. Phật Thuyết A Di Đà kinh (1 quyển).

6. Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ kinh (1 quyển).

7. Cổ Âm Thanh Tán Đà La Ni kinh (1 quyển)

8. Tịnh Độ Vãng Sinh luận do Bồ tát Thế thân trước tác.

 

Nhưng những kinh luận chủ yếu quan trọng nhất của Tịnh độ tông là: Vô Lượng Thọ kinh, Phật Thuyết A Di Đà kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh và Tịnh Độ Vãng Sinh Luận.

 

Pháp môn Tịnh độ được thiết lập tại Ấn Độ và Thế Thân Bồ-tát đã soạn bộ luận nói về Tịnh độ. Nhưng truyền sang Trung Hoa, ngài Huệ Viễn cho thực tập mô hình Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà ở thế giới chúng ta. Sau đó, pháp môn Tịnh độ phát triển được nhờ ngài Thiện Đạo chính thức thành lập tông Tịnh độ. Sau đó vào thế kỉ 11, Tịnh Độ Tông được hoằng truyền và có mặt sớm nhất tại Việt Nam.

 

Trong suốt quá trình hoằng dương chính pháp, hội nhập và phát triển đạo pháp ngày càng ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt như từ thời Lý – Trần đạo Phật cũng từng được xem là quốc giáo. Tịnh độ tông được phát triển mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277) có một đề mục “Niệm Phật luận”“Lục thời sám hối khoa nghi” để nói lên tầm quan trọng và lợi ích của phương pháp niệm Phật; tu Tịnh độ là nhờ vào nguyện lực chứ không phải do nghiệp lực, tu có thể chuyển hóa thân tâm, sám hối để tiêu tan nghiệp chướng báo chướng.

 

đạo Phật được xem là nguồn sống tâm linh, hơi thở của dân tộc. Pháp môn niệm Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của đệ tử Phật. Ngay từ đầu du nhập, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam, đã phần nào nói lên được tấm lòng từ bi bao la, vị tha vô ngã bao dung độ lượng của người đệ tử Phật, rất gần gủi với nếp sống hiền lương của người dân Việt.Pháp môn này phát triển khá là phổ biến tại Việt Nam từ những thập niên đầu mới du nhập cho đến thời cận hiện đại ngày nay nhằm khẳng định sự vi diệu thù thắng của tông Tịnh độ. Đó là các vị chư tôn đức hòa thượng luôn xiển dương pháp môn dễ tu dễ chứng, phù hợp mọi thành phần trong xã hội một cách linh hoạt, phổ biến, ứng dụng nhiều trong thực tiễn.

 

Tại nước Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền vào và phát triển mạnh mẽ. Trong thế kỷ XI, có thiền sư Tĩnh Lực (thuộc phái Vô Ngôn Thông) là vị đã chứng niệm Phật tam muội. Cũng trong thế kỷ này, một lang tướng của Lý Thánh Tông đã dựng một tượng Phật A Di Đà cao hai thước rưỡi tây tại núi Lan Kha, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư Không Lộ (mất năm 1141) đã từng dựng tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm. Thảo Đường quốc sư, vị khai tổ dòng thiền thứ ba của Phật giáo Việt Nam (vào thế kỷ XI) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài Pháp ngữ thị chúng tuyệt vời. Tôn giả Huyền Quang tam tổ thiền phái Trúc Lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài tại chùa Bút Tháp để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời cận đại có các bậc cao tăng như HT. Tâm Tịnh, HT. Khánh Anh, HT. Hải Tràng, HT. Trí Thủ, HT. Thiền Tâm... đã tự tu và truyền bá pháp môn này từ Bắc chí Nam, làm cho Phật pháp được hưng thạnh và lan truyền cho đến ngày hôm nay.

 

Đặc biệt, pháp môn niệm Phật được người Việt Nam tin và thực hành; không chỉ là dành riêng cho người xuất gia và tại gia mà còn cho cả người không tôn giáo đều nhớ danh hiệu Phật và thực hành. Như khi vào chùa mọi người cúi đầu chào nhau bằng câu niệm Phật “A Di Đà Phật”. Trước lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn niệm một niệm đến mười niệm thì liền được vãng sinh. Vì thế có thể nói Tư tưởng Tịnh độ tông cũng đánh dấu được bước ngoặt lớn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. 

 

Tài thiệu tham khảo:

  1. https://giacngo.vn/niem-phat-nhat-tam-bat-loan-duoc-an-lac-trong-cuoc-song-hien-tai-post65594.html
  2. https://phatgiao.org.vn/tim-hieu-ve-tinh-do-tong-d24784.html
  3. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/anh-huong-cua-giao-ly-tinh-do-tong-o-viet-nam.html
  4. https://vuonhoaphatgiao.com/phat-hoc/tinh-do-tong/vai-net-ve-phap-mon-tinh-do-va-hanh-tri-tinh-do-tai-viet-nam/

Bài viết khác

Xem thêm
Zalo
Hotline