Thật tánh của tâm

Đức Thái Thượng H.H Sakya Gongma Trichen 41st Rinpoche

H.H. Sakya Trizin Một trong những giáo lý chính mà Đức Phật dạy chúng ta là nghiệp luật. Nghiệp chính là hành động tự thân tâm ta tạo ra. Cuộc đời mà ta có hiện tại không phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay được tạo ra bởi ai khác. Ta là người toàn quyền định đọat cuộc đời của chính ta đúng theo định luật nhân quả. Tất cả những điều tốt lành mà ta đang có như gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh sống lâu, giàu có... là từ những nghiệp thiện mà ta đã làm từ nhiều đời nhiều kiềp trước. Ngược lại, những nghiệp ác ta tạo ra sẽ mang đến một cuộc sống ngắn ngủi nhiều bệnh hoạn, nghèo khó, và đầy đau khổ. Nếu chúng ta thực sự muốn thoát ly khổ đau và có những kinh nghiệm hạnh phúc trong đời này và đời sau, điều quan trọng là chúng ta phải tự tạo nhiều nhân tốt. Chúng ta phải vun trồng nhiều hạt giống tốt trong tâm thì mới có hy vọng gặt hái được những quả tốt. Nguồn gốc của những khổ đau và những tạo tác ác nghiệp là vì ta không hiểu rõ được bản chất thật sự của tâm. Thay vì quay về nhìn lại thực tánh của tâm, ta có một xu hướng tự nhiên từ nhiều đời nhiều kiếp là bám víu vào cái bản ngã của ta một cách rất vô lý. Nhưng nếu ta thật sự phân tích và suy nghĩ tường tận, ta sẽ không tìm ra được cái ta với một tự tánh riêng biệt. Ta có một cái tên, nhưng chính cái tên cũng không phải là ta, vì ai cũng có thể có cái tên đó. Ngay chính cả cái thân của ta cũng vậy, xem xét kỹ lại từ đầu xuống chân, thì phần thân thể nào thực sự là ta? Tất cả những bộ phận trong thân thể phải cần có nhau, ta không thể sống nếu thiếu đi một trong những bộ phận đó. Vì vậy, thân không phải là ta. Tâm cũng không phải là ta, vì tâm thay đổi liên tục. Tâm quá khứ thì đã qua, tâm tương lai thì chưa tới nên không thể nói tâm là ta được. Tâm ta từ lúc trẻ thơ đã rất khác với tâm trưởng thành bây giờ. Ngay cả tâm ta hiện tại cũng thay đổi không ngừng từng giây từng phút. Một cái gì mà thay đổi liên tục không thể nói là ta được. Như vậy, từ cái tên, thân và tâm cũng đều không phải là ta. Nhưng vì từ thói quen huân tập từ xưa, ta có xu hướng bám víu vào cái ta mà không hiểu rằng cái ta là vô ngã, không có một tự tánh riêng biệt. Giống như ta tưởng lầm sợi dây thừng đầy màu sắc là con rắn, nên gây ra nhiều sợ hãi và lo âu. Không hiểu rỏ bản chất thật sự của tâm là luôn thay đổi và bám chặt lại cái ta là nguồn gốc của mọi sự khổ đau.

Nếu ta cho là có ta, thì tự nhiên sẽ có "người ta", nên có sự phân biệt giữa ta và người. Cũng giống như nếu có phải thì có trái và ngược lại. Và khi ta có phân biệt giữa ta và người thì từ đó sẽ có vướng mắc với người thương của ta, lẫn với sự oán ghét với người không đồng quan điểm với ta. Tham, sân và si là tam độc cuốn hút ta lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Tham, sân, si gây ra ganh ghét, ngã mạn, v.v… và dẫn dắt ta tạo nghiệp. Nghiệp cũng giống như những hạt giống nhân quả mà ta tự trồng lấy trong vườn tâm thức của mình. Gieo nhân nào hái quả đó. Để thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, ta phải có tuệ giác về vô ngã. Nếu không có phương pháp hành trì, trí tuệ không thể phát triển. Nếu không có trí tuệ, ta sẽ không tập đúng phương pháp. Cũng giống như một con chim cần hai cánh để bay, ta cần cả phương thức và trí tuệ mới đạt được giác ngộ. Phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất là phát khởi lòng từ bi và thương yêu muôn loài. Từ đó ta có được bồ đề tâm, là sự mong muốn chân thành đạt được giác ngộ hoàn hảo mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Khi nghĩ được như vậy ta sẽ tự động làm những việc thiện và đạo đức. Tuy nhiên, ta cần phải có trí tuệ để nhận ra bản chất thật sự của tất cả hiện tượng, nhất là tâm, bởi vì gốc rễ của luân hồi sanh tử và Niết Bàn – đúng ra là gốc rễ của tất 52 cả mọi thứ — chính là TÂM. Đức Phật dạy: "Ta không được làm điều ác, ta chỉ nên tập làm điều lành, và phải chế ngự được tâm mình." Mục đích của 84 ngàn lời dạy của đức Phật là để chế ngự tâm điên đảo của ta. Tâm mang đến cho ta bao nhiêu khổ đau, dẫn dắt ta mãi theo vòng luân hồi sanh tử. Nhưng cũng chính tâm cho ta những kinh nghiệm hạnh phúc và giúp ta thoát khỏi luân hồi sanh tử. Vậy tâm là gì và ở đâu? Nếu ta cố gắng tìm kiếm, ta sẽ không tìm thấy nó ở đâu trong thân ta. Tâm không nằm trong, nằm ngoài hay nằm giữa thân thể ta. Nếu tâm là một cái gì đó tồn tại, nó phải có một hình dáng cụ thể hay có mầu sắc chứ? Vì vậy, thực tánh của tâm là không (emptiness). Không (emptiness) ở đây không có nghĩa là không tồn tại như lối suy nghĩ thông thường, nhưng không (emptiness) có nghĩa là không có một chủ thể riêng biệt mà là có sự tương quan, tương duyên với nhau. Vì nếu ta nói tất cả vạn vật là không thì tâm nào dẫn dắt ta làm những việc thiện hay ác, tâm nào đem đến khổ đau hay hạnh phúc? Do đó, tất nhiên có một cái tâm vì ta còn sống và có ý thức liên tục. Giống như ngọn nến tỏa sáng, đặc điểm của tâm là tánh thấy biết rõ ràng (clarity). Tuy vậy, ta không thể tìm thấy tâm ở bất cứ hình dạng hay mầu sắc, hay bất cứ nơi nào nhưng tâm vẫn luôn luôn thấy biết rõ ràng. Vậy là tâm có hai đặc điểm không tách rời nhau là tánh không và tánh thấy biết, giống như lửa và sức nóng của lửa. 53 Để có thể kinh nghiệm được tánh không và tánh thấy biết rõ ràng của tâm, ta phải có những sự thực hành, và từ đó mới được tích lũy công đức. Tốt nhất là ta phải thực tập thiền quán. Để có được tâm thanh tịnh, ta phải chuẩn bị. Tâm hiện tại của ta luôn bị dao động bởi những dòng suy nghĩ không ngừng. Tâm bận rộn và rối loạn sẽ ngăn trở đạt được tuệ giác. Vì vậy trước tiên ta phải cố gắng tập trung vào thiền định để mang lại tâm trí một trạng thái tĩnh lặng, sáng suốt và đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn (single-pointedness). Đến đây, ta sẽ nhận ra được thực tánh của tâm để được giác ngộ và thoát vòng luân hồi sanh tử. Để đạt được tuệ giác này, ta cần phải tích tụ rất nhiều công đức bằng cách luôn luôn phát triển bồ đề tâm. Tóm lại, nhờ vào lòng từ bi và trí tuệ, ta sẽ nhận ra được thực tánh của chân tâm và từ đó ta sẽ được hoàn toàn giác ngộ.

Linh Diệp chuyển ngữ.
Trích từ cuốn: Bảo Pháp Của Dòng Truyền Thừa Sakya

 

Bài viết khác

Xem thêm
Zalo
Hotline