Lý duyên khởi và bài học sâu sắc về cuộc sống

Lý Duyên khởi không chỉ cho con người cái nhìn toàn diện về cuộc đời mà từ đó chỉ đường, hướng dẫn con người nỗ lực chuyển hóa vô minh, phát triển trí tuệ, thấy được sự thật tối hậu trong thực tướng của vạn pháp.

Trong tuyệt phẩm Tây Du Ký, các yêu quái đều mù quáng cho rằng ăn thịt nhà hành giả Đường Huyền Trang sẽ được “trường sinh bất lão” nên chúng đã bày ra đủ kế bắt nhà sư để thỏa mãn tham dục được sống đời đời kiếp kiếp, trẻ mãi không già. Chi tiết này đã phản chiếu rõ mê lầm con người luôn chấp trước, dính mắc. Đó là tâm lý cố chấp cho thể xác, tâm hồn của mình có tự ngã trường tồn và tìm mọi cách để bảo vệ, nuôi dưỡng, tự hào, khổ đau… về nó. Mặc dù vậy, không một ai trên đời kể cả Đức Phật có thể chiến thắng được quy luật vô thường của cuộc đời. Bài chia sẻ Lý duyên khởi và bài học sâu sắc về cuộc sống sẽ giúp bạn nhận diện ra nhiều điều hơn

Tại sao vậy? Vạn vật trên đời, bao gồm cả con người đều được hình thành do duyên khởi, duyên sinh, cho nên tất cả đều vô thường và do đó không tồn tại cái gọi là tự ngã. Hiểu được lý Duyên khởi, chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi vì sao có thế giới này? Vì sao có thân xác của ta? Thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn phần nào giúp quý Phật tử trả lời câu hỏi mình nên nghĩ gì, mình nên làm gì để sống thật sự hạnh phúc, vui vẻ, ý nghĩa nhất trong cuộc đời.

Thế nào là Duyên khởi?

Thuyết Duyên khởi chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi. Duyên khởi đi liền với Duyên sinh. Ở đây, chúng ta cần phân biệt:

Duyên khởi là khái niệm chỉ vạn vật trên vũ trụ này bao gồm cả loài hữu tình và vô tình

Duyên sinh dùng cho loài hữu tình mà đại diện tiêu biểu nhất là con người.

Lý Duyên khởi được ghi lại ngắn gọn trong kinh như sau: "Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt".

Đức Phật với trực quán thiền định đã đi thẳng vào thực tại, phát hiện vô minh là nguyên nhân sâu xa tạo thành những phiền não khổ đau cho con người, đồng thời Ngài cũng chỉ rõ rằng chỉ có vai trò trí tuệ mới có thể đoạn trừ vô minh đó. Cũng từ lý Duyên khởi, Ngài soi chiếu thấy 12 nhân duyên (nguyên nhân chính và điều kiện phụ), thuyết minh quá trình hình thành khổ đau cho con người, với chi đầu tiên là vô minh và chi cuối cùng là lão tử, là chi biểu thị trạng thái khổ đau, cụ thể như sau:

Vô minh, sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống.

1. Vô minh sinh Hành, hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý.

2. Hành sinh Thức, làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định;

3. Thức sinh Danh, là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ uẩn tạo thành;

4. Danh sắc sinh Lục căn, là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu);

5. Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc;

6. Xúc sinh Thụ, là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;

7. Thụ sinh Ái, tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;

8. Ái sinh Thủ, là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;

9. Thủ dẫn đến Hữu, là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới;

10. Hữu dẫn đến Sinh, là sinh y, là cuộc sống hàng ngày bao gồm dục là tham ái và lòng ham muốn;

11. Sinh sinh ra Lão tử, vì có Sinh nên có hoại diệt.

12. Ý nghĩa và bài học từ lý Duyên khởi.

 

Duyên khởi vén bức màn bí mật vũ trụ

Đức Phật dạy “Tất cả các pháp đều vô ngã, hết thảy các hành đều vô thường… muôn vật sinh diệt đều do nhân và duyên”.

Duyên khởi không chỉ là giáo lý chỉ rõ nguyên tắc vận hành của mọi pháp trong thế gian, từ vật lý cho đến tâm lý, không một pháp nào hình thành hay biến hoại mà ra ngoài qui luật này, đây còn là lý thuyết đầu tiên phản bác hệ thống triết học Vệ Đà của Bà la môn, phủ nhận tư tưởng sáng tạo của đấng Phạm Thiên (Brahman) để hình thành tư tưởng “Tự tác tự thọ” (mình làm mình chịu) đề cao vị trí con người, con người là chủ nhân ông cho chính mình, không ai khác hơn có thẩm quyền định đoạt cuộc sống cho mình.

Vào thời đại Đức Phật, học thuyết của các giáo phái đều dạy con người chấp ngã và ngã sở. Họ sáng tạo ra đấng tối cao, đấng tạo hóa… để tôn sùng và nương tựa. Do đó khi phát hiện và tuyên bố lý Duyên khởi với luận điểm: “Mọi sự vật lớn nhỏ từ các hành tinh trong vũ trụ đến mảy mún hạt bụi, hạt cát đều do nhân duyên hòa hợp…”; từ căn thân cho đến thế giới đều không thật có, Đức Phật đã khẳng định pháp giới vô ngã và mở ra cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại thời bấy giờ.

Với quan điểm Trung đạo không phân biệt khách thể – chủ thể, không gì là tuyệt đối: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”: Một là tất cả, tất cả là một (Kinh Hoa nghiêm), Duyên khởi là lời giải đáp minh bạch, hùng hồn đầy thuyết phục trả lời câu hỏi nhân loại bao lâu trăn trở.

Bên cạnh đó, Lý Duyên khởi là tuyên ngôn khẳng định quyền tự do, bình đẳng của mọi người trong xã hội, bác bỏ hoàn toàn lý thuyết phân biệt giai cấp, chủng tộc do giai cấp bóc lột bịa đặt ra để phục vụ mục đích thống trị xã hội, phục vụ lợi ích giai cấp bóc lột.

Do vậy mà hơn 2500 năm sau, nhà bác học Einstein đã nhận định: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để  theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. 

Duyên khởi mở ra cánh cửa giải thoát khổ đau

Pháp do Duyên sinh có mặt thì cũng từ Duyên sinh mà chấm dứt. Vì hễ cái gì do duyên sinh thì hữu vi, vô thường, đoạn diệt, biến hoại. Duyên khởi với 12 chi phần quyết định hình thành và tàn hoại của vạn hữu. Và mỗi chi phần là sự có mặt của 11 chi phần kia.    Do đó đoạn diệt hoàn toàn một chi phần cũng có nghĩa là đoạn diệt cả 12 chi phần nhân duyên: vô minh, hành, thức… không thể có mặt một mình. Vậy nên khi ái diệt, hoặc thủ diệt, hoặc thức diệt… thì vô minh phải hoàn toàn diệt.

Trong Kinh Tương ưng bộ II, Đức Phật dạy: “Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn thì hành diệt, do hành diệt nên thức diệt… lão tử, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn diệt. Này các Tỳ-kheo, như vậy là đoạn diệt”. Hết vô minh thì ta thấy pháp vô ngã, hành vô thường; không còn chấp ngã, chấp pháp tức chứng đạt Chánh đẳng giác, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi.

Giá trị giải thoát khổ đau ở đây chính là Duyên khởi đã trả con người về với vai trò làm chủ vận mệnh của mình đồng thời khai mở cho chúng sanh con đường giải thoát sinh tử luân hồi, đưa con người và muôn loài đến bến bờ an vui hạnh phúc.

Nhưng Phật tử chúng ta sống đời cư sỹ nghĩa là nguyện tái sinh trong luân hồi với cuộc sống sung túc đầy đủ và thân hình đẹp đẽ. Thì giá trị giải thoát và giác ngộ chính là cái nhìn chân xác, khoa học về sự tồn tại của thân tâm trong quy luật bất biến thành, trụ, hoại, diệt để không bám víu, chấp trước, đau khổ, bi lụy trước hiện thực cuộc sống.

Thực tế cho thấy, các tế bào trong thân thể của chúng ta luôn luôn thay đổi và cứ mỗi 7 năm thì những tế bào này hoàn toàn đổi mới. Chính sự thay đổi này đã làm cho chúng ta chóng lớn, chóng già, và dĩ nhiên là chóng chết. Vì sự vô thường của thân như thế, nên cổ nhân mới có câu:

“Thân như bóng chớp chiếu tà

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh việc đời

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành”.

Hay trong bài Đi thuyền, nhà thơ Xuân Diệu đã nhận định rất triết lý về sự vô thường của vạn vật: “Cái bay không đợi cái trôi/Từ tôi phút trước sang tôi phút này.”

Lý Duyên khởi thật bổ ích đối với những người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc những người đã tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời…

Đạo lý này giúp con người đón nhận bệnh tật, chịu đựng đau đớn, đối diện với cái chết một cách bình thản, tự nhiên. Đạo lý ấy giúp chúng ta không vì lợi ích riêng mình mà vị kỷ, tham lam; xé toang bóng tối của vô minh, khai mở ánh sáng của tự tại, hạnh phúc.

Nhận biết đạo lý ấy ta tránh được bao hệ lụy: phân chia đẳng cấp, phân biệt chủng tộc, màu da sắc tộc, chiến tranh tàn sát, giết hại các loài hữu tình… gieo rắc khổ đau kinh hoàng cho con người và muôn loài.

Duyên khởi giúp ta có cái nhìn tích cực về cuộc sống

Lý Duyên khởi giúp ta thấy rõ mối tương quan sinh diệt của vạn hữu vũ trụ, không có một pháp nào có thể hiện hữu độc lập. Theo đó, trong cái này có chứa cái kia và chi phần nào cũng vừa là nhân đồng thời cũng vừa là quả, nêu lên mối quan hệ nhân quả của vạn vật.

Suy rộng ra trong mối quan hệ xã hội, khi hiểu lý Duyên khởi, mỗi con người sẽ tự nhận thấy cá nhân mình tồn tại trên cuộc đời không phải chỉ nhờ công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, không hẳn là nhờ đồng tiền bát gạo kiếm được nhờ sức lao động của mình mà nhận biết sự hiện hữu của thân xác, tâm hồn mình trên thế gian là sự kết hợp tổng hòa của muôn vạn pháp.

Thí dụ chiếc áo ta mặc thường ngày với chất liệu lụa tơ tằm không phải nên hình chỉ khi có đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt mà nó còn chứa cả vũ trụ huyền diệu quanh ta với mồ hôi công sức người chăn tằm, với nỗi nhọc nhằn tạo kén nhả tơ cả đời ngắn ngủi của biết bao con tằm chăm chỉ; rồi lá dâu để tằm ăn cho mình mẩy tròn căng mà nhả tơ tạo kén cũng xanh tốt nhờ nước, không khí, ánh sáng, phân bón, công sức chăm tỉa của con người… Tất cả tạo thành một vòng khép kín, trong cái này bao hàm cái kia, trong cái kia lại chứa cái này, hay cái này tồn tại không thể thiếu cái kia và ngược lại.

Nói như vậy để thấy được, sự có mặt và sự tồn tại của chúng ta trên cuộc đời này là một phép nhiệm màu của các pháp; cuộc sống no ấm, hạnh phúc của chúng ta có được là nhờ sự chung tay của bao người khác, công ăn việc làm ổn định của ta có được cũng có sự đóng góp của nhiều cá nhân khác và trong thành công của người khác ắt hẳn đã có sự góp công sức của ta dù là nhỏ nhất.

Từ cái nhìn đúng đắn và tích cực này, mỗi Phật tử thêm yêu mến cuộc sống, thêm nỗ lực trong công việc để góp phần cho sự phát triển chung của xã hội.

Lý Duyên khởi không chỉ cho con người cái nhìn toàn diện về cuộc đời mà từ đó chỉ đường, hướng dẫn con người nỗ lực chuyển hóa vô minh, phát triển trí tuệ, thấy được sự thật tối hậu trong thực tướng của vạn pháp. Ai nhận thức được quy luật này bằng chánh tri kiến, chánh tư duy thì người đó có thể xa lìa tham ái chấp thủ để đạt được cuộc sống an bình và hạnh phúc. Đó chính là giá trị thiết thực của Lý duyên khởi và bài học sâu sắc về cuộc sống.

Theo: Blogphatgiao.com

Bài viết khác

Xem thêm
Zalo
Hotline