Phật Giáo Đại Thừa

 

Đại thừa là tâm tánh rộng lớn, tròn đồng thái hư, không thiếu không dư, là cỗ xe lớn nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho số lớn chúng sinh có thể giác ngộ, giải thoát sinh tử, lìa khổ được vui. Phật Giáo Đại Thừa bắt nguồn từ vị Phật Lịch Sử Thích Ca Mâu Ni và phát triển ở Ấn Độ vào khoảng từ thế kỷ 1 TCN. Đại thừa chấp nhận các kinh điển và giáo lý chính của Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng được bổ sung nhiều học thuyết và kinh điển mới. Bộ kinh được xem là kinh văn Đại thừa đầu tiên là Bát-nhã bát thiên tụng (hay còn gọi là Bát Nhã Ba La Mật Kinh).

Ban đầu, Đại thừa chỉ là một phong trào cải cách Phật giáo nhỏ ở Ấn Độ, nhưng trường phái này dần phát triển thành trường phái có ảnh hưởng trong Phật giáo Ấn Độ. Các trung tâm học thuật lớn liên quan đến Đại thừa như Nalanda và Vikramashila phát triển mạnh trong khoảng từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Theo dòng lịch sử, Phật giáo Đại thừa lan rộng khắp Nam Á, Trung Á, Đông Á và Đông Nam Á, trở thành truyền thống Phật giáo lớn nhất có ngày nay, với 53% Phật tử thuộc Đại thừa Đông Á và 6% theo Kim cương thừa, so với 36% của Phật giáo Thượng toạ bộ (khảo sát năm 2010), có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Nepal, Malaysia và Bhutan.

Phật giáo Đại thừa chủ trương mọi chúng sanh đều có Phật tánh và điều quan trọng là làm sao cho Phật tánh ấy hiển lộ một cách trọn vẹn thì gọi là Phật. Phật giáo Đại thừa cùng một lúc hoàn thành cả hai nhiệm vụ cho giới tại gia và xuất gia, kết quả đã phác hoạ một thế giới lý tưởng, đó là lý tưởng Tịnh độ.

Đại thừa đã thừa nhận nhiều chư Phật đồng thời tồn tại trên thế gian trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đại thừa chủ trương có vô số Phật do bản nguyện độ sanh mà xuất hiện nơi đời. Đại thừa lấy Phật làm lý tưởng và lấy sự trở về với tinh thần đức Phật làm mục tiêu. Ta có thể thấy rằng Đại thừa đứng trên lập trường thâm sâu để khôi phục lại Phật giáo Nguyên thuỷ.

Phật giáo Đại thừa đề cao con đường của Bồ Tát phấn đấu để đạt được giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của tất cả chúng sinh, và do đó còn được gọi là "Bồ tát thừa". Bồ tát là danh hiệu chỉ người thế tục phát tâm cầu đạo, bậc đại Bồ tát của Đại thừa phải thị hiện trong hình thức thế tục. Bất cứ ai tu hạnh Bồ tát đều có thể thành Phật, Đại thừa cho rằng hiện tại có vô số Bồ tát cứu độ chúng sanh. Bồ tát là giai đoạn đầu tiên dẫn đến quả vị Phật do đó mà Phật giáo Đại thừa lấy Bồ tát làm lý tưởng.

Nhìn chung, Phật giáo Đại thừa xem mục tiêu trở thành Phật thông qua con đường bồ tát là có sẵn cho tất cả mọi người và xem trạng thái của quả vị A-la-hán là chưa hoàn thiện. Các hình tượng giác ngộ trong Phật giáo Đại thừa rất đa dạng và phong phú, nhiều vị Phật và Bồ tát không hiện diện trong kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy (như hình tượng A-di-đà). 

Truyền thống Kim Cương thừa (còn gọi là Mật Tông hay Chân Ngôn) được các nhà nghiên cứu xem là một nhánh của Đại thừa, chú trọng sử dụng chân ngôn (sa. mantra), và những nghi lễ bao gồm những phương pháp dùng các ấn thủ trong tu tập, một phương pháp mà các tu sĩ thuộc truyền thống này cho rằng có hiệu quả mạnh mẽ hơn và nhanh hơn trong việc đạt được Phật quả.

Điểm đặc sắc của Phật giáo Đại thừa: tu hành không chỉ là cầu nguyện, nghi lễ mà phải hành trì trong mọi lãnh vực của cuộc sống; đưa phạm trù lý thuyết vào phạm trù thực hành; lấy tại gia làm điểm xuất phát, lấy việc cứu độ làm cơ sở qua việc tu tập Lục độ Ba-la-mật.

Quan điểm về Tâm luận của Phật giáo Đại thừa có phần thâm thuý hơn Phật giáo Nguyên thuỷ. Tâm của Đại thừa có thể là kinh nghiệm, cũng có thể là vật, vậy căn cứ vào đây Đại thừa thành lập thế giới quan “chân không diệu hữu”: Chân không là hết thảy các hiện tượng đều không có tự tánh; diệu hữu là sự tồn tại của 21 các pháp hiện tượng mặc dầu chúng không có tự tính. Hai quan niệm này không bao giờ tách biệt nhau được. Chân không không ngoài diệu hữu, và ngược lại. Ở tuyệt đối, chân không là diệu hữu, diệu hữu là chân không. Đây là nét đặc sắc và là điểm cộng thông của các Bộ phái Đại thừa. Chân không là kết luận của vọng tâm sinh diệt; diệu hữu là cảnh giới đã trừ điệt vọng tâm mà làm sáng tỏ ở thể tướng của tịnh tâm.

Niết bàn là tư tưởng chung của Phật giáo, là cảnh giới tuyệt đối vắng lặng, giải thoát không còn phiền não. Niết bàn là tích cực, hoạt động, là đại nguyện cứu độ chúng sanh, vĩnh viễn hoạt động mà không nhiễm trước, Niết bàn của Đại thừa được mệnh danh là Vô trụ Niết bàn hay Bất trụ Niết bàn (như Quan Âm, Văn Thù… không nhập Niết-bàn mà chỉ vì lòng từ vô hạn cứu vớt chúng sanh).

Đại thừa về mặt căn bản là muốn thích nghi với thời đại, nhưng đồng thời Đại thừa cũng mang đặc tính thích ứng với tinh thần thời đại. Phật giáo Nguyên thủy thời đức Phật tỏ ra rất quan tâm đến thời đại, nhưng đến Phật giáo Bộ phái chỉ chuyên tâm vào việc tìm tòi tài liệu, không lưu ý đến tinh thần thời đại cho nên trở thành trở thành khô cứng. Ngược lại, Phật giáo Đại thừa chống đối điều này và vận động xướng lên một phong trào Đại thừa với mục đích là tiếp cận tinh thần thời đại. Vì vậy, có thể nói, không hiểu được tinh thần văn hóa thời bấy giờ thì không thể hiểu được phong trào Đại thừa một cách đúng đắn, bởi vì văn hóa đương thời và Đại thừa Phật giáo có những quan hệ mật thiết.

Qua những điểm trên, ta thấy rằng Phật giáo Đại thừa có những tư tưởng mới nhưng không không nằm ngoài lời dạy của Đức Phật. Những tư tưởng mới của Phật giáo Đại thừa nhằm giúp Phật giáo hội nhập với đời sống. Phật giáo Đại thừa hòa nhập với đời, tuy nhiên chỉ là “hòa hợp” chứ không hề “hòa tan”. Điều đó minh chứng rằng những lời Đức Phật dạy vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.

 

Bài viết khác

Xem thêm
Zalo
Hotline